Sảy mối đã rang cho bay hết cánh.
|
Mối ra nhiều nhất là sau những cơn mưa chiều vào tiết tiểu mãn tháng tư (âm lịch) hằng năm. Cơn mưa vừa dứt vào tầm chạng vạng, lúc này không khí mát mẻ hẳn, cũng là lúc hàng đàn mối dày đặc từ tổ chui ra với đôi cánh mỏng, bay lấp lánh, chập chờn trong bóng hoàng hôn. Chúng bay quần tụ vào nơi có ánh sáng.
Mối rang được ăn với xôi rất thơm ngon.
|
Già Dẽ cho biết: “Nếu không có đèn điện, khi phát hiện có mối đang bay ra, chúng tôi thắp một cây đèn dầu, hoặc đèn cầy, cắm giữa cái thau lớn đặt ở nơi thuận tiện ngoài sân, trong thau đổ nước ngập 1/4 cây đèn. Mối thấy ánh sáng cùng nhau bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được, nên nằm lại trong thau. Thỉnh thoảng, mình lấy tay khuấy nước trong thau để mối ướt cánh không bay lên được. Nếu thấy trong thau nhiều mối quá thì hốt mối ra bỏ vào bao nilông hoặc xoong, nồi, thùng, mủng… Nếu vùng nào có điện, nhất là các ngọn điện ở trước sân, khi phát hiện có mối, lập tức tắt tất cả các ngọn điện trong nhà nhằm mục đích không cho mối vào nhà để thu hút mối tập trung một chỗ (xác mối chết ở trong nhà khó thu dọn, kiến đánh hơi sẽ vào nhà). Lúc bấy giờ, không những người bắt mối mà còn có các “lực lượng” khác như: cóc, ễnh ương, gà… cùng tham gia đớp, mổ… mối”.
Công đoạn bắt mối chỉ diễn ra khoảng nửa giờ là kết thúc, lúc này mối đã ít dần, chúng bị rụng cánh và rơi dần ở chung quanh. Sau khi kết thúc cuộc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần rồi vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước… Mối đang bắt còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn.
Già làng Đinh Văn Bớt (65 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang cho biết: “Những người Cơ Tu có kinh nghiệm, trước cơn mưa giông, chỉ cần nhìn ổ mối mà xác định chính xác ụ nào mối ra trước, ụ nào mối ra sau, lượng mối bay nhiều hay ít… Sau đó tiến hành đào lỗ hình nón sát ổ mối - nơi mối chui ra, lấy lá chuối lót theo lỗ có hình nón. Trên chỗ mối ra khoảng 40cm, người ta giăng bao nilông màu trắng. Mối bay lên gặp nilông rớt xuống lá chuối đã hứng sẵn, do lá trơn và mối ướt cánh nên không bò và bay lên được. Sau đó, đồng bào mang gùi đến thu hoạch. Thông thường mỗi người “quản lý” khoảng 10 lỗ…”.
Bà con Cơ Tu ở thôn Bốn, xã Ba (Đông Giang) thưởng thức món mối rang.
|
Mối rang là món ăn ngon miệng, hấp dẫn đối với đồng bào Cơ Tu và một số người Kinh. Muốn ăn, người ta đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, bỏ vài bát mối vào và dùng đũa khuấy đều, mối bốc hơi và khô dần… cho đến khi bay ra một mùi thơm quyến rũ, ngào ngạt, mang hương thơm tựa mùi châu chấu nướng và những tiếng nổ lẹt đẹt nho nhỏ, báo hiệu mối đã chín. Lúc này, đổ ra mẹt, dùng ngón tay đảo nhẹ và sảy, hay bật cái máy quạt cho cánh mối bay đi, chỉ còn lại thân mối vàng ươm. Người Cơ Tu ngoài rang mối để “ăn chơi”, họ còn giã nát nén lại thành bánh để ăn dần. Ngoài ra, khi rang mối họ thêm vào ít muối và bỏ trong ống để dành ăn lai rai, hương vị cũng không kém phần ngọt ngào lan tỏa.
Không gì thú vị bằng khi được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi… của món mối cánh rang, có thêm vài ly rượu tà vạt, rôm rả trò chuyện cùng người già, lũ trẻ. Gương mặt của họ cũng hồng lên, lấp lánh bên bếp lửa hồng. Ngày nay, ở quê tôi, người Kinh cũng thi nhau bắt mối đem rang ăn. Khách đường xa đã một lần thưởng thức cái hương vị thơm ngon, độc đáo của món mối rang ở Đông Giang này thì không thể nào quên.
Theo: suckhoedoisong.vn